Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Vẫn giữ chất hồn nhiên

Thật bất ngờ khi Cao su Đồng Tháp (CS.ĐT) mới chính là đội bóng ghi bàn thắng nhiều nhất ở V.League 2010. Hàng công của CS.ĐT vượt qua những hàng công “khủng” của B.BD, SHB.ĐN, HN.T&T, XM.HP để đứng đầu với hiệu suất 2,42 bàn/trận.


Hai đội bóng bám theo đó là HN T&T và B.BD với hiệu suất trung bình 1,75 bàn/trận. Năm ngoái, sau 7 trận, CS.ĐT được 11 điểm nhưng chỉ có 8 bàn. Đội vô địch SHB.ĐN năm ngoái cũng chỉ kiếm được 14 bàn sau 7 vòng đấu... Rõ ràng hiệu suất ghi bàn hiện tại của CS.ĐT thuộc loại đáng nể và là màn trình diễn tốt nhất của họ kể từ khi tham dự V.League.


Câu hỏi đặt ra vì sao CS.ĐT có thể ghi bàn nhiều như thế? Tại sao khi chia tay chân sút chủ lực Timothy, 2 tiền vệ mác tuyển Olympic Vũ Anh Tuấn, Quý Sửu, nhạc trưởng Aniekan, họ lại có thể ghi bàn còn tốt hơn trước?


Rõ ràng, CS.ĐT không chỉ chơi phòng ngự để rồi mơ ghi được nhiều bàn thắng. Về căn bản họ vẫn là đội bóng có lối chơi mở, tương đối cống hiến. Trong một vài năm bị thiếu hụt lực lượng, họ đã phải chơi phòng ngự phản công. Tuy nhiên, khi cầu thủ của họ trưởng thành sau thời gian dài chơi bóng ở V.League và hạng Nhất, họ đã trở lại với lối chơi áp đặt đối thủ và sẵn sàng tấn công.


Vẫn giữ chất hồn nhiên - Tin180.com (Ảnh 1)
CS.ĐT đang có hiệu suất ghi bàn tốt nhất V.League 2010 - Ảnh: Quốc An

Về lực lượng, Olushola và Felix chưa sánh được với Timothy về mức độ gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, Samson với phong độ cực cao đã gánh phần lớn nhiệm vụ ghi bàn (7 bàn) cho đội nhà. Sunday cũng không quá thua kém so với Aniekan ở khả năng chuyền bóng, anh chỉ không bằng người tiền nhiệm ở khả năng giữ nhịp và sức tranh chấp. Đáng chú ý còn là vị trí của Duy Khanh. Tiền vệ này hồi phục chấn thương và đang trở thành con bài quan trọng trong sơ đồ của HLV Công Lộc. Duy Khanh mạnh mẽ và giàu tính chiến đấu. Về lâu dài, lực lượng mỏng có thể khiến CS.ĐT gặp trục trặc. Tuy nhiên, thời điểm đầu mùa khi Văn Mộc, Được Em đang đạt phong độ tốt thì việc không còn sự phục vụ của Quý Sửu, Vũ Anh Tuấn không thành vấn đề quá lớn ở đội.


Lối chơi tấn công “hồn nhiên” của CS.ĐT có thể giúp họ giành những chiến thắng rất đậm như thắng Thể Công 5-0 và Thanh Hóa 6-0 ở mùa trước, hoặc thắng V.NB 5-2, N.SG 4-1 ở mùa giải năm nay. Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến họ mất điểm ở những phút cuối tiếc nuối như trận hòa M.NĐ, SLNA.


Ở trận gặp SLNA mới đây, khi dẫn trước đối thủ 2-1, CS.ĐT đã không làm theo cách của nhiều đội bóng khác đó là câu giờ, kiềm giữ tốc độ trận đấu. Họ tiếp tục tăng tốc, tấn công liên tục, cơ hội được tạo ra nhiều. Bàn thắng có thể sẽ được nâng lên cao hơn nhưng rủi ro cũng lớn hơn. Một lời ngợi khen cho tinh thần cống hiến của họ nhưng quả thực trong một đấu trường mà tính thực dụng được đề cao như ở V.League, lối chơi đó có phần mạo hiểm.


Người đồng tháp đón đối thủ nhiều duyên nợ


Tư thế khác

HAGL chính là nơi rút ruột lò đào tạo cầu thủ Đồng Tháp nhiều nhất. HAGL cũng từng là một trong hai đội bóng (đội kia là ĐT.LA) một thời khiến người Đồng Tháp ngậm đắng nuốt cay vì những chiến thắng quá dễ dàng.


Đã có một thời Đồng Tháp luôn là túi điểm của HAGL. Thường thì đội bóng Đồng Tháp Mười sẽ “cúng” đủ 6 điểm cho đối thủ. Thời điểm Kiatisak thi đấu, ông chủ Đoàn Nguyên Đức luôn chỉ đạo bằng mọi giá phải chiến thắng mỗi khi gặp đội bóng Đồng Tháp Mười. Nguyên nhân cũng chỉ là do có lần trong lúc khốn khó, người Đồng Tháp phải chơi “tiểu xảo”, cúp điện ở khách sạn khi HAGL đến Cao Lãnh thi đấu.


Nói đến 2 đội bóng này, hẳn nhiều người còn nhớ đến mối duyên nợ khi rất nhiều cầu thủ từng thi đấu cho Đồng Tháp đầu quân cho HAGL: Quang Trãi, Duy Quang, Minh Nghĩa, Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường, Văn Pho bằng con đường trực tiếp, bằng cả những khó khăn khi chuyển nhượng. Mỗi lần HAGL lấy quân của Đồng Tháp, không thiếu những câu chuyện đau đầu khi tranh chấp xảy ra. Chính vì mối duyên không thuận nên trước đây người Đồng Tháp gặp HAGL vừa bực lại vừa sợ. Trong khi HAGL lại rất ngạo nghễ khi nghe đến tên CS.ĐT.


Thế nhưng, mọi chuyện nay đã khác xa trước kia. Đồng Tháp từ lâu cũng chẳng cần phải chơi tiểu xảo kiểu cúp điện khách sạn nữa. Dàn cầu thủ Đồng Tháp càng lúc càng trưởng thành nên họ cũng chẳng còn sợ HAGL. Năm ngoái, trận thắng HAGL 3-0 hồi đầu mùa đã mở đầu một mùa giải thành công của thày trò HLV Công Lộc. Ở trận lượt về, gắng lắm thì HAGL cũng chỉ kiếm được 1 điểm. Kể từ mùa giải 2009, cái thế “cửa trên” của HAGL đã chính thức bị phế truất.
Đã lâu lắm rồi Kiatisak mới có dịp trở lại Cao Lãnh nhưng lần này thì chắc chắn ông không còn cái cảm giác thoải mái như trước. HAGL đã phải đến Cao Lãnh với mục tiêu gần thực tế nhất là 1 điểm.


Quốc Minh
(theo baobongda)


(Source: Tin180 - Vẫn giữ chất hồn nhiên )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét