Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tennis - Thể thao - Tiêu điểm

Rafael Nadal đã đoạt 3/4 Grand Slam trong năm 2010 theo một kịch bản gần như tương tự nhau: đánh bại dễ dàng cả 3 đối thủ từng lập nên chiến tích hiển hách trước Roger Federer tại vòng ngoài. Phải chăng bởi vì hiện tại Rafa là "vô đối" và chẳng có tay vợt nào có thể cản bước của tay vợt số 1 thế giới trong năm 2010?

Nadal đã thống nhất trọn bộ danh hiệu Grand Slam trên mọi mặt sân và hoàn tất Grand Slam sự nghiệp khi mới 24 tuổi. Và đặc biệt ở chỗ, 3 Grand Slam liên tiếp trong năm 2010, Rafa đều đối mặt với những tay vợt đã chặn đứng trận “chung kết trong mơ” giữa Roger Federer và Rafael Nadal. Kỳ lạ thay, Robin Soderling tại Roland Garros, Tomas Berdych tại Wimbledon và mới đây là Novak Djokovic tại US Open đều khảng khái quật ngã “tầu tốc hành” nhưng lại trở nên yếu đuối trước Nadal trong trận chung kết. Soderling thua Rafa chóng vánh trong 3 set 4-6, 2-6, 4-6, Berdych cũng thua nhanh 3-6, 5-7, 4-6 và Djokovic tuy có khá hơn những chỉ cầm cự có 4 set 4-6, 7-5, 4-6, 2-6. Vậy lý do nào để những tay vợt từng đo ván Federer lại bỗng nhiên không còn là chính mình trước Nadal, khi đó là 2 tay vợt thay nhau ngự trị trên đỉnh thế giới nhiều năm qua. Nadal đang ngày càng mạnh lên và Federer đang xuống dốc, phải vậy chăng?


Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tin180.com (Ảnh 1)
Nadal thâu tóm trọn bộ Grand Slam trên mọi mặt sân


Đó có thể chỉ là một phần lý do, nhưng chắc chắn không phải là nguyên căn duy nhất dẫn tới thất bại của Soderling, Berdych và Djokovic ngay trước ngưỡng cửa của vinh quang. Bởi trong quá khứ, cả 3 tay vợt này đều từng khiến Nadal lâm nguy. Không những vậy, thực sự Rafa không phải là tay vợt bất khả chiến bại trong năm 2010 khi có những giải đấu có những tay vợt khác thậm chí không được đánh giá cao so với tay vợt người Tây Ban Nha nhưng vẫn giành chiến thắng. Đó là Nikolay Davydenko tại Doha đầu năm, Andy Murray (2 lần, tại Úc mở rộng và Rogers Cup), lão tướng Ivan Ljubicic tại Indian Wells, Andy Roddick tại Miami Masters, Feliciano Lopez tại Queen’s Club và Marcos Baghdatis tại Cincinnati Masters. 7 trận thua đó của Nadal, tất nhiên rơi vào những giai đoạn khác nhau, có lúc Rafa chưa hoàn toàn có phong độ cao nhất, có lúc lại không toàn tâm vào giải đấu để giữ sức, có lúc là khoảnh khắc xuất thần của tay vợt nào đó... Nhưng chung qui lại, Nadal là số 1 nhưng không có nghĩa không thể thất bại, điều quan trọng, những tay vợt khi bước đến điểm cuối của vinh quang lại tự gục ngã trước chính Rafa.


1. Khi mọi tinh hoa phát tiết trước Federer


Cả Soderling, Berdych và Djokovic đã có những trận đấu để đời trước “tầu tốc hành” trong năm 2010. Soderling sau 12 trận toàn thua trước Roger đã lội ngược dòng thắng lại tại tứ kết Roland Garros 3-6, 6-3, 7-5, 6-4. Berdych thì nối tiếp chiến thắng ở Miami Masters bằng trận thắng 6-4, 3-6, 6-1, 6-4 ở tứ kết Wimbledon, đó mới chỉ là lần thứ 3 tay vợt người Séc vượt qua Federer. Còn Djokovic cũng có “trận marathon” tại US Open sau 5 set 5-7, 6-1, 5-7, 6-2, 7-5 để lần đầu thắng Roger tại đây và đó là chiến thắng thứ 6 sau 16 lần gặp gỡ. Có thể nói không chỉ 3 tay vợt trên mà với nhiều tay vợt khác trên thế giới, mỗi trận đấu với huyền thoại sống của làng banh nỉ là những cuộc chiến chẳng có gì để mất. Soderling, Berdych và Djokovic có thể tiếp tục “khớp” trước Federer và sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu họ thất bại, chính vì vậy, tất cả đã vào trận với trên 100% sức lực. Soderling trong trận tứ kết Wimbledon sau khi thua set 1 đã “điên cuồng” tấn công, và dù có tới 42 pha đánh lỗi (unforced errors) so với 27 của Federer nhưng điều quan trọng, sự mạo hiểm của tay vợt người Thụy Điển đã được đền đáp bằng 49 điểm winners so với 40 của Federer và chiến thắng là hoàn toàn xứng đáng. Berdych cũng chơi theo kiểu “bạt mạng” đó tại Wimbledon, liên tục tung ra những pha dứt điểm dù độ rủi ro rất cao, nhưng thay cho 23 unforced errors (của Roger là 18), tay vợt người Séc lại trội hơn với 51 điểm winners (của Roger là 44). Còn sẽ chẳng ai quên Djokovic đã quật cường thế nào dù đối mặt với 2 điểm match-point quyết định, những pha đánh 5 ăn 5 thua của Nole đã cứu anh khỏi “tử thần” và lật ngược tình thế ngoạn mục.


Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tin180.com (Ảnh 2)
Soderling không thể đối chọi với Nadal dù đã thắng thuyết phục Federer


Nhưng tất cả những tinh hoa đó lại không được Soderling, Berdych và Djokovic phát huy khi bước vào trận đấu cuối cùng gặp Nadal. Có lẽ trước viễn cảnh lần đầu giành Grand Slam với Soderling, Berdych và lần thứ 2 với Djokovic khiến cả 3 đã không còn khí phách khi đánh bại Federer. Chơi chắc chắn và không mạo hiểm tấn công như trước đó là canh bạc sai lầm với cả 3 tay vợt, bởi vô hình chung điều đó lại chuyển thế trận vào đúng ý muốn và sở trường của Nadal: khả năng chơi đôi công và phòng thủ thượng thừa từ vạch cuối sân (baseline). Ai cũng biết Rafa không phải là mẫu tay vợt khoái dứt điểm hạ đối phương mà thường “vờn mồi” khiến đối thủ tự đánh hỏng và hãy xem Soderling, Berdych và Djokovic đã mắc phải cái bẫy đó như thế nào.


Soderling nhiều điểm winners hơn Nadal (32 so với 28) nhưng “unforced errors” thì cao tới gấp 3 (45 so với 16). Berdych thì nhỉnh hơn về “unforced errors” (17 so với 21) và khá cân bằng trong điểm winners (27 so với 29) nhưng quan trọng những break-point của Nadal lại rơi đúng vào những điểm số đúng lúc đủ để vượt qua Berdych trong cả 3 set. Còn Djokovic mới đây thôi, còn thua kém cả điểm winners (45 so với 49) và “unforced errors” cũng tương tự (47 so với 31). Sự liều lĩnh như gặp Federer đã không còn được lặp lại trước Nadal và đó là một phần nguyên nhân thất bại.


Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tin180.com (Ảnh 3)
Berdych cũng đi vào vết xe đổ của Soderling


2. Chủ quan trước cú thuận tay của Nadal


Có một phần nào đó, những tay vợt đối mặt với Rafa trong trận chung kết Grand Slam đã không lường được sự nguy hiểm từ những cú thuận tay (forehand) của số 1 thế giới. Vẫn biết Nadal thực tế có cú forehand khá “tệ” trong tốp 10 thế giới nhưng đó là về tốc độ đi của banh, còn về độ khó và đặc biệt là có thêm độ xoáy topspin khó lường, thì Rafa vẫn là siêu hạng. Chắc chắn Soderling, Berdych và Djokovic là những tay vợt có cú forehand thuộc loại hay nhất làng banh nỉ hiện tại, từ đường đi, quỹ đạo và vận tốc banh và có thể chính điều đó đã khiến họ chủ quan khi đối mặt với Nadal sau khi khắc chế thành công những cú forehand nghệ sỹ của Federer trước đó.


Rất nhiều lần trong 3 trận chung kết Grand Slam, 3 tay vợt đã dồn ép Nadal bằng những cú đánh sâu về baseline để chủ động lên lưới dứt điểm nhưng lại nhận đòn hồi mã thương từ những cú passing shot bằng trái tay hay topspin bằng tay thuận. Liên tiếp mất điểm những tình huống như vậy đã khiến điểm số liên tục “rơi” về phía Rafa và khi những tay vợt gặp Nadal trở nên bối rối thì lúc đó thất bại sẽ đến nhanh hơn bao giờ hết. Thật tiếc cho những ai quên mất những kinh nghiệm của những người đi trước, để rồi rơi vào cái sự đã rồi trước Rafa.


3. Nadal đã trưởng thành trên mọi phương diện kỹ năng chiến thuật


Nếu tay vợt nào nghĩ đánh bại Federer thì có thể dễ dàng vượt qua Nadal tại giải Grand Slam thì chắc chắn sẽ lầm to. Trong vài năm qua, trải qua bao nhiêu giải Grand Slam với thể thức 5 set thắng 3, chỉ có duy nhất 1 tay vợt làm được điều đó, chính là cựu vô địch US Open, Juan Martin Del Potro trong năm 2009, còn chưa có tay vợt nào đủ sức để vượt qua cả 2 huyền thoại trong cùng 1 giải đấu Grand Slam.


Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tin180.com (Ảnh 4)
Djokovic trước Nadal không còn là Nole trong trận thắng lịch sử trước Federer


Federer đã bước sang sườn bên kia của sự nghiệp và lối đánh hào hoa phòng nhã đã nhiều lần phản tác dụng với “tầu tốc hành”. Khi Roger quá tự tin vào những cú đánh của mình để rồi nhiều lần đánh hỏng khi gặp Soderling, Berdych và Djokovic thì Nadal lại cẩn thận trong từng pha bóng và hoàn thiện những điểm yếu cố hữu trước đây như những quả giao bóng (serve). Những trận đấu từ Wimbledon tới hiện tại, người ta đã thấy Nadal với những cú serve có vận tốc trên dưới 200 km/h (ngay cả trận chung kết US Open 2010 với Djokovic, Rafa cũng hơn hẳn chỉ số này ở cả tốc độ cao nhất và tốc độ trung bình) và số lần ăn điểm trực tiếp (ace) cũng không hề kém cạnh đối phương. Với những bước tiến đáng nể như vậy, sẽ không bất ngờ khi Nadal thống trị làng banh nỉ thế giới trong năm 2010, dù có lúc rất nhiều người tưởng Rafa sẽ không gượng dậy sau những chấn thương.


Vậy nên nếu tay vợt nào trong tương lai muốn vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp hãy luôn ghi nhớ một điều: đánh bại Federer hay Nadal đã là một kỳ tích nhưng hãy giữ đôi chân trên mặt đất và cái đầu tỉnh táo để đi tới cái đích cuối cùng. Năm 2010, Soderling, Berdych và Djokovic mới chỉ làm được “nửa” cuộc lật đổ nhưng biết đâu trong tương lai, sẽ có Del Potro thứ 2 xuất hiện và viết thêm trang mới trong lịch sử làng banh nỉ thế giới?


Orchid
(theo 24h)


(Source: Tin180 - Vì sao những tay vợt hạ Federer lại gục ngã trước Nadal? - Tennis - Thể thao - Tiêu điểm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét