Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Chuyện người Ghana - Bên lề - Worldcup 2010



“Một châu Phi đoàn kết”, là điều mà tôi cảm nhận được vào lúc này. Chiến thắng của ĐT Ghana trước ĐT Mỹ đã khơi gợi tinh thần về một Lục địa đen thống nhất. Thành tích lọt vào tứ kết World Cup 2010 của Những ngôi sao Đen đã đưa đến một sức sống mới cho cộng đồng người Ghana tại Nam Phi. Khi tôi bước vào nhà thờ sáng hôm qua, một người đàn ông đã tiến đến và giới thiệu: “Tôi là người Ghana”.



Tình huống giao tiếp trên tuy khá đơn giản, nhưng hàm chứa một sự thay đổi sâu sắc. Thông thường những người nhập cư da màu ở Nam Phi chẳng mấy khi giới thiệu về nguồn gốc của mình. Lý do là họ sợ sự kỳ thị. Những cộng đồng người nhập cư từ các nước lân cận vốn không được cư dân bản địa chào đón. Thậm chí một số phần tử quá khích còn có hành động gây hấn, kỳ thị. Một bộ phận dân chúng Nam Phi cho rằng người nhập cư cướp mất công việc của họ, khiến tình trạng thất nghiệp thêm trầm trọng. Tôi còn nhớ vào giữa năm 2009, vài vụ tấn công người nhập cư đã xảy ra ở thị trấn Tembisa (phía Đông Johannesburg), khiến một công dân Mozambique thiệt mạng. Cảnh sát cho biết nạn nhân đã bị thiêu sống.


Chuyện người Ghana - Tin180.com (Ảnh 1)


Tư tưởng bài ngoại dần bị loại bỏ trong thời gian diễn ra World Cup 2010. Đến khi Ghana giành quyền vào tứ kết, dân chúng Nam Phi đã nhìn người nhập cư với một con mắt khác. Chiến công của Những ngôi sao Đen không chỉ mang vinh dự cho một quốc gia, mà còn là lời khẳng định của cả châu lục.


Thắng lợi của thầy trò Milovan Rajevac đã đưa đến một diện mạo mới cho cộng đồng người Ghana tại Nam Phi. Trận đấu trên sân Royal Bafokeng kết thúc đã 2 ngày, nhưng tôi vẫn thấy khá nhiều người mặc áo thi đấu của Những ngôi sao Đen trên đường phố. “Hy vọng chiến thắng của ĐT Ghana sẽ thay đổi thái độ của người Nam Phi đối với chúng tôi. Trong một thời gian dài chúng tôi luôn bị kỳ thị. Nhưng bây giờ các cư dân bản địa đối xử với chúng tôi rất tốt. Hy vọng rằng điều này sẽ kéo dài mãi mãi chứ không phải nhất thời”, một kiều dân Ghana tên là Koffi Kodwa lên tiếng. Hôm đó cửa hiệu cắt tóc mà Kodwa làm việc rất đông khách. Người dân Nam Phi đến đấy không chỉ để chăm sóc cái đầu, mà còn với mục đích chung vui cùng cộng đồng người Ghana.


Matshelane Mamabolo (Từ Johannesburg - dành riêng cho Bóng đá)
(theo baobongda)


(Source: Tin180 - Chuyện người Ghana - Bên lề - Worldcup 2010 )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét