Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Kí sự Nam Phi: Những ước mơ bình dị - Bên lề - Worldcup 2010

Lũ trẻ ở cái xóm nhỏ thuộc Winterveld, nơi nghèo nhất và có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất ở vùng Gauteng này, yêu thích chụp ảnh đến mức kì lạ. Chúng tranh nhau đứng trước máy ảnh của tôi và đòi xem bằng được những bức ảnh mới chụp. Nhiều trong số chúng mới được nhìn chiếc máy ảnh lần đầu tiên trong đời.


Matthew đã 17 tuổi, nhưng mới học đến lớp 3 và trông cậu nhỏ bé như mới chỉ 12 tuổi. Đội lên đầu một chiếc mũ cáu bẩn, một bên tai đeo một chiếc khuyên tai và bộ dạng có vẻ bặm trợn theo kiểu đại ca của lũ trẻ, Matthew dẫn tôi vào xóm của cậu, kéo theo sau một lũ trẻ con đứa mặc quần thủng đít, đứa đi đất, đứa mặt nhem nhuốc những vụn bánh làm bằng bột ngô từ bữa sáng, và nhiều trong số chúng cứ ngoạc mồm đòi chụp ảnh. Đấy là một khu xóm nghèo rớt mùng tơi, với những căn nhà lụp xụp được xây bằng gạch nhưng đã lở loét, những mái nhà lợp tôn hoặc những thứ gì có thể đưa lên làm mái được, những nhà vệ sinh bẩn thỉu và hôi thối làm bằng gỗ. Xen giữa những hàng cây lưa thưa trên nền đất đỏ quạch và bốc lên đầy bụi, là những dây phơi với quần áo chạy dài phía trước những cửa sổ bằng kính đã vỡ một nửa. Matthew sống ở một trong những cái gọi là ngôi nhà ấy, và cậu nói, bằng một thứ tiếng Anh dễ nghe nhất có thể, điều quan trọng nhất đối với một gia đình ở cái xóm nhỏ này là có một ngôi nhà che nắng che mưa che cái lạnh, còn trong đó có gì không quan trọng. Ngôi nhà của cậu chỉ lèo tèo mấy thứ đồ đạc. Không có tivi. Không phải vì không có điện, mà vì người dân ở đây nghèo đến mức, họ chỉ có thể mua vài trăm rand (tiền Nam Phi) điện một tháng và khi nào dùng hết số tiền ấy, nhà cung cấp sẽ cắt điện và bóng tối lại bao trùm lên họ.







 Kí s? Nam Phi: Nh?ng ư?c mơ b?nh d? - Tin180.com (?nh 1)
Matthew mơ sẽ trở thành Beckham

Cậu có một mơ ước giản dị: noi gương thần tượng Beckham trở thành một cầu thủ bóng đá nổi tiếng và thoát khỏi cái thị trấn nhỏ nằm cách Pretoria 50 cây số này, đến nơi có ánh sáng. Cậu bảo: “Làm cầu thủ bóng đá sẽ có tiền để nuôi gia đình, sẽ được đến những thành phố lớn châu Âu để đá bóng và có nhiều gái đẹp”. Gái đẹp, tại sao? “Một người đàn ông mạnh mẽ không thể thiếu gái đẹp”, cậu trả lời và mấy đứa trẻ đứng bên cạnh cười như nắc nẻ. Matthew bỗng chỉ một cậu bé tên Sapong, nói: “Bố nó chết vì AIDS”. Xóm của Matthew có đến 1/3 số người nhiễm virus HIV và không phải là một điều trùng lặp khi nằm gần con đường đất đỏ đi vào xóm, có một bệnh viện, nơi trong đó người ta cho phép thử HIV miễn phí và hiện đang chăm sóc 200 bệnh nhân AIDS. Lũ trẻ theo chân tôi đi khắp nơi trong xóm cũng có vài đứa nhiễm AIDS qua bố mẹ, vài đứa mồ côi vì bố mẹ đã chết. Căn bệnh ấy trở thành một thứ chết chóc kinh khủng đối với những người da đen nghèo khó sống trong điều kiện dưới mức nghèo khổ, như ở xóm của Matthew, nơi mà nước trở thành một thứ xa xỉ, và dù chính phủ đã cho lắp đặt một hệ thống dẫn nước mới tinh cho thị trấn này, thì nước ăn và tắm rửa vẫn quý không kém kim cương. Không có gì ngạc nhiên khi những cậu trai mơ làm cầu thủ bóng đá như Matthew rất nhiều trong xóm ấy, trong khi những cô bé tuổi 12, 13 lại mơ làm diễn viên. Nhưng cũng có những ước mơ khác, có vẻ dung tục hơn, nhưng lại rất thục tế. Như Redi, cô bé 15 tuổi gầy nhom: “Cháu muốn có tiền để đi bơm ngực”. Tại sao, tôi ngạc nhiên hỏi? “Cháu muốn làm người mẫu. Người mẫu kiếm rất nhiều tiền và có thể lấy chồng giàu”. Cô mơ được theo bước chân Dudu Maduma, người mẫu mới nổi của Nam Phi. Một người nói tiếng tswane, như cô.

Cuộc đời của bọn trẻ ở cái vùng nghèo khổ và đầy người thất nghiệp này sẽ ra sao trong tương lai? Matthew có thể theo chân Beckham hay lại kết thúc cuộc đời của mình trong ngục tù? Redi sẽ thành Dudu, hay chỉ 1,2 năm nữa lại lấy chồng và đẻ ra một đàn con nheo nhóc, hoặc có thể sẽ bị hãm hiếp như hàng nghìn cô bé khác mỗi năm? Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, nhưng chính phủ đang làm tất cả để chúng ít ra cũng không kết thúc trong bi kịch. Ngay ở phía trước khu xóm nhỏ mà ranh giới của chúng với con đường là những hàng rào dây thép gai dựng lên một cách chắp vá và cẩu thả là một trung tâm văn hóa và thể thao cho thiếu nhi rộng mênh mông dưới sự điều hành của dự án “Love Life-Make Your Move”. Ở đó có sân bóng đá, sân bóng rổ và một hội trường lớn để sinh hoạt. Matthew và gần 100 đứa trẻ của khu xóm và những nơi lân cận thường xuyên đến đó để đá bóng và chơi những trò chơi trẻ con dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên. Ở đó, người ta đưa chúng vào những cuộc tranh luận khác nhau về tác hại của AIDS và tội phạm, về ảnh hưởng của World Cup đối với cuộc đời chúng và đưa ra những bài học đầu tiên về cuộc sống. Ở World Cup này, lần đầu tiên lũ trẻ được ăn miễn phí vào buổi trưa ở trung tâm. Không thể không xúc động khi thấy lũ trẻ ăn phần ăn của mình một cách khoái trá như chúng chưa bao giờ được ăn ngon thế trong đời. Những đôi mắt ánh lên sự hạnh phúc và no đủ một cách tạm thời. Đối với lũ trẻ ở đây, mỗi ngày được một bữa no đã là cả một niềm khao khát giản đơn. Và giản đơn hơn nữa là việc được đứng trước máy ảnh của ai đó, cười tươi hết cỡ và rồi cả lũ xúm lại xem những bức ảnh trên màn hình, nhao nhao nói thứ tiếng của chúng mà tôi không sao hiểu nổi. Hạnh phúc cũng chỉ cần vậy thôi.

Ở cái xóm nhỏ này, tivi không tồn tại trong các gia đình. Đấy là thứ xa xỉ không kém nước. Lũ trẻ và không ít người lớn ở đây chỉ có thể nhìn ra thế giới qua cái máy chiếu của trung tâm. Anh bảo vệ có tên Lucky hay bật những đĩa DVD ca nhạc, và lũ trẻ, những ngày không phải đến trường và cũng không muốn cứ quanh quẩn trước cái sân khấp khểnh ở nhà mình, nuốt lấy từng lời ca, tiếng nhạc và hình ảnh được chiếu trên tấm vải to đùng ở sân khấu. World Cup với chúng cũng ở đấy, trong cái thế giới nhỏ nhoi và bình dị đến không ngờ. Bốn giờ chiều, Lucky bật kênh Supersport để chuyển xem trận đấu của đội Nam Phi với Pháp, sau đó tự trang bị cho mình một lá cờ Nam Phi và vẫy vẫy chào các khán giả nhí. Anh nháy mắt với tôi: “Lát nữa sẽ đông kín cho mà xem”. Cái hội trường ấy dần dần đông lên. Lũ trẻ bám theo chân tôi lúc nãy ùa vào đông như kiến, mỗi đứa vớ một cái ghế và ngồi ngay ngắn xem trận đấu. Mấy cô bé chừng 14,15, trong đó có Redi, ngồi chễm chệ ở hàng đầu. Cả lũ đứng dậy hát vang khi quốc thiều Nam Phi cử lên. Một không khí náo loạn và đúng chất trẻ con bao trùm khi trận đấu diễn ra. Bafana Bafana ghi bàn, Bafana Bafana chiến thắng, nhưng Bafana Bafana vẫn bị loại. Lũ trẻ không buồn, World Cup của chúng chưa kết thúc. Mà nếu nó có chấm dứt đi nữa, thì chúng vẫn có thể tự cảm thấy hạnh phúc với chính mình, vì cuộc sống luôn đói khổ, nhưng chúng vẫn có thể nhìn ra thế giới và ngày ngày mơ ước một điều gì đó, qua cái sân khấu với màn hình của Lucky.

Lucky bảo, sau World Cup, anh sẽ chiếu cho chúng xem bộ phim “Bend it like Beckham”. Trở thành Beckham, phải không Matthew?

Theo Thể thao & Văn hóa Online


(Source: Tin180 - Kí sự Nam Phi: Những ước mơ bình dị - Bên lề - Worldcup 2010 )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét