Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Lợi & Hại - Bóng đá trong nước - Thể thao

Lâu nay, rất nhiều nền bóng đá đặt ra một vấn đề mang tính cấp thiết, đấy là liệu đào tạo trẻ có bị hủy hoại bởi sự xuất hiện của các ngoại binh hay không? Từ Âu sang Á, từ Premiership tới… Việt Nam, dường như câu hỏi này luôn tồn tại. Nhưng cũng chính bởi vì nó tồn tại ở mọi nơi nên lại phải thừa nhận nó như một thực tế tất yếu xẩy ra trong bóng đá thời đại toàn cầu hóa.


Ở Premiership chẳng hạn. FA bây giờ quy định rõ mỗi CLB phải có 8 cầu thủ thuộc diện “home-grown”, nghĩa là phải trưởng thành từ bóng đá Anh. Đối với ngoại binh nhập khẩu về, người ta lại giới hạn bằng điều kiện cấp giấy phép lao động khá ngặt nghèo khi ngoại binh ấy phải khoác áo một số lượng trận đấu nhất định của ĐTQG nước họ trong một khoảng thời gian hữu hạn. Tóm lại là người Anh ý thức rất rõ việc phải làm sao bảo vệ cầu thủ trẻ.


Nhưng thực ra có hàng rào bảo vệ nào đi nữa cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề vì bây giờ, dùng ngoại binh là xu hướng của mọi nền bóng đá. Vả chăng, bảo vệ thực sự cũng không cần thiết nếu những cầu thủ bản địa có tài năng đích thực. Như tại Anh chẳng hạn, James Milner, Wayne Rooney hay Lampard, Gerrard vẫn là những cầu thủ hàng đầu của Premiership dù họ không phải mang quốc tịch nước ngoài.


Trở lại chuyện của V.League. Ngoại binh đang xuất hiện khá nhiều ở sân cỏ Việt Nam. Nhưng không nên coi họ là những người kìm hãm sự phát triển của cầu thủ trẻ. Trái lại là đằng khác.



Lợi & Hại - Tin180.com (Ảnh 1)
Tiền đạo trẻ Hà Minh Tuấn vẫn có cơ hội phát triển tài năng khi được học hỏi các ngoại binh chất lượng của SHB.ĐN - Ảnh: Đức Anh

HLV Henrique Calisto có lần trao đổi với người viết rằng BĐVN trong ít nhất 5 năm nữa vẫn nên mở cửa cho ngoại binh. Vì 10 năm làm chuyên nghiệp tưởng đã dài song thực ra cũng chưa đi được quãng đường bao nhiêu so với những nền bóng đá tiên tiến khác. BĐVN vẫn đang trong giai đoạn tạo nền móng và do đó, ngoại binh đổ vào sân cỏ Việt Nam thời điểm này sẽ có tác dụng hỗ trợ cho những cầu thủ bản địa học hỏi thêm được nhiều, hoặc ít ra, cũng là học cách thích ứng với nhiều phong cách chơi bóng khác nhau. Tác động từ họ vì thế là tích cực, nhiều hơn tiêu cực.


Đối với cầu thủ nội mà nói, nếu có khả năng như Công Vinh hay Quang Hải chẳng hạn, đâu có ai sợ thiếu cơ hội. Họ thậm chí còn được chăm nom rất kỹ là đằng khác. Như Hà Minh Tuấn ở SHB.ĐN, mới là quân U19 song đã được đôn lên đội 1, hàng ngày tập luyện cùng một chân sút cự phách như Merlo. Như thế là lợi hay hại?


Dĩ nhiên, trong chừng mực nào đó, với 5 người được đăng ký và 3 cầu thủ ra sân cùng lúc, ngoại binh lấy đi một số nhất định suất ra sân. Nhưng 8 vị trí còn lại cho nội binh cũng không ít. Vì thế, nói ngoại binh gây hại tới tương lai của bóng đá trẻ thực ra không chính xác nếu đặt trong tổng thể rất nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực của một xu thế ngày càng phổ biến.


Song Bân
(theo baobongda)


(Source: Tin180 - Lợi & Hại - Bóng đá trong nước - Thể thao )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét