Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Vẫn chỉ 'người cũ' - Bóng đá trong nước - Thể thao

Ngoại binh lâu nay vẫn được coi là những người thổi luồng sinh khí quan trọng nuôi sống cảm hứng tại V-League. Với đẳng cấp vượt trội, họ thậm chí còn mang đến cơ hội “học nghề”, hoàn thiện bản thân cho những nội binh biết chịu khó cóp nhặt, rèn luyện.


Nhưng có một thực tế là trong năm 2010 này, sân cỏ V-League chủ yếu “thở” bằng nguồn ngoại binh cũ, chứ không phải những người mới đặt chân đến mảnh đất hình chữ S.

Tân binh thất bại


Hãy hỏi xem ai là ngoại binh nổi bật nhất ở V-League 2010? Câu trả lời: không ít ứng cử viên. Leandro là người truyền cảm hứng đưa XM.HP lần đầu tiên đoạt HCB. Evaldo là linh hồn của HAGL. Merlo đăng quang “Vua phá lưới” năm thứ hai liên tiếp. Timothy, Endene làm nên cuộc hồi sinh của HP.HN…


Nhiều, nhiều lắm những người có thể xem xét cho danh hiệu “Ngoại binh xuất sắc nhất V-League 2010”. Dường như, giải đấu số một Việt Nam đã trở nên quá quen thuộc với họ. Và vì thế, những cựu binh như Leandro, Evaldo, Merlo hay Timothy, Philani, Kesley chẳng hề tốn chút thời gian nào trong việc bắt nhịp với mùa giải.



Vẫn chỉ ’người cũ’ - Tin180.com (Ảnh 1)
Gonzalo - một trong số ít ngoại binh mới được đánh giá cao - Ảnh: Đức Anh

Nhưng thử nhìn lại xem trong số những ngoại binh nổi bật, có bao nhiêu người là tân binh. Rất ít. Cùng lắm cũng chỉ xét được Gonzalo - gà son của HN T&T hay Olushola của CS.ĐT, Vidovic của SLNA hoặc Danny của ĐT.LA, dù thực tiễn những trường hợp này đều rất khiên cưỡng.


Trong khi đó, số tân binh thất bại phải sớm rời V-League ngay sau lượt đi hoặc cũng khó có triển vọng được tái ký hợp đồng sau mùa giải 2010 lại rất nhiều. Và điểm chung rất cơ bản giữa họ là còn lâu (hoặc không bao giờ) mới che lấp được hào quang mà những người đến trước tạo ra.

Không dễ thành công


Đi tìm lý do vì sao nguồn ngoại binh mới đổ bộ vào Việt Nam trong năm 2010 chưa tạo được dấu ấn, có thể khẳng định rằng chất lượng của những “người mới” cũng có vấn đề. So sánh với các “người cũ” đã được thẩm định khả năng, rõ ràng là Diego Mendez, Matias, Modu, Victor, Uwanaka, Cassiano, William, Fonseca, Soares, Collante… còn có khoảng cách rất xa. Kém tài hơn nên khó tạo dấu ấn hơn, âu đó cũng là một điều không khó lý giải.


Hơn nữa, thích ứng với V-League cũng không phải là một điều dễ dàng. Vì nên nhớ tính ổn định ở hầu hết các CLB V-League không cao. Chỉ đơn cử chuyện thay HLV như thay áo chắc chắn cũng làm cho khối tân binh phải khổ. Vì vừa sang Việt Nam, có khi chưa kịp quen HLV, đồng đội đã phải thử cảm giác với một ông thầy mới. Trong bối cảnh ấy thành công là một khái niệm xa xỉ.


Cũng cần nói thêm là chơi ở V-League bây giờ cũng không dễ như trước kia nữa. Cầu thủ Việt đã quá quen việc phải đấu với Tây rồi, chứ không như những năm đầu tiên, hễ cứ gặp Tây là “choáng”. Vì thế hiện tại, không phải cứ “ngoại” sang là “ăn” được ngay. Đó cũng là một khó khăn khách quan mà những người mới phải chịu.


Sổ tay phóng viên


Ứng xử với môi trường


Lâu nay người ta thường nghĩ một cầu thủ tốt chỉ có thể xuất hiện từ một môi trường tốt. Đúng là như vậy, bởi môi trường là nơi dung dưỡng và tạo đà cho một tài năng. Lấy ví dụ trường hợp của B.BD, nếu chỉ gói ghém vấn đề ở phạm vi mùa giải 2010, đấy rõ ràng không phải là một môi trường tốt. Bằng chứng là có quá nhiều HLV đến rồi đi, và cũng có quá nhiều nhóm cầu thủ không nhìn về một hướng. Trong một môi trường như vậy, hàng loạt cá nhân xuất sắc như Kesley Alves hay điển hình là Lee Nguyễn đã không thật sự phát huy được tố chất của mình. Và vì thế, cũng giống như đội bóng của họ, những cầu thủ này đã thất bại sau một cuộc trường chinh.


Thế nhưng, nếu đổ tại cho môi trường thì người ta lại hoàn toàn có thể nhìn vào SHB.ĐN để đưa ra một phản đề. So với B.BD, môi trường SHB.ĐN ở V.League 2010 rõ ràng cũng chẳng tốt hơn, nếu không muốn nói là kém hơn. Bằng chứng là đội bóng này đã có những chuỗi trận thua, và từ cầu thủ đến HLV trưởng đều phải đối diện với những lời chỉ trích liên tục. Ở một môi trường như vậy, thế mà Gaston Merlo vẫn thể hiện rất rõ vai trò cá nhân, và vẫn có thể giành danh hiệu “Vua phá lưới” một cách ấn tượng.


Tới đây, người ta cần thấy rõ một vấn đề: Môi trường tốt mới chỉ là một chuyện. Nhưng biết ứng xử với môi trường lại là chuyện khác, quan trọng không kém. Mà đã là một cầu thủ chuyên nghiệp, phải chăng người ta không chỉ biết “đổ lỗi” cho môi trường, mà còn phải biết ứng xử với môi trường để làm sao vẫn thể hiện được rõ đẳng cấp của mình?
Khó, khó lắm, nhưng đấy là điều rất cần hướng tới!


Minh Khoa
(theo baobongda)


(Source: Tin180 - Vẫn chỉ 'người cũ' - Bóng đá trong nước - Thể thao )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét